Rác thải công nghệ:
"Bom hẹn giờ " môi trường nổ chậm

"Cơn sóng ngầm" đang dâng cao toàn cầu

Với tần suất thay điện thoại gần như 2-3 năm một lần, người tiêu dùng toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đang tạo ra một "cơn lốc" chi tiêu cho thiết bị điện tử mới. Trong năm 2023, lượng tiền đổ vào thị trường này đã lên đến hơn 1,3 nghìn tỷ USD, một khoản chi phí khổng lồ tương đương với GDP của Tây Ban Nha.

Làm gì với những chiếc điện thoại hỏng - cũ?

Làm gì với những chiếc điện thoại hỏng - cũ?

Công nghệ đã và đang định hình lại mọi khía cạnh trong đời sống của con người. Trong bối cảnh đó, việc sở hữu và sử dụng đa dạng thiết bị điện tử trở nên phổ biến, kéo theo sự gia tăng đột biến về số lượng, từ những thiết bị quen thuộc như máy tính, điện thoại thông minh đến hàng loạt sản phẩm gia dụng, phương tiện di chuyển điện, thiết bị theo dõi sức khỏe, cảm biến môi trường... Sự bùng nổ của kỷ nguyên số đặt ra một thách thức không nhỏ về sự gia tăng chóng mặt của rác thải điện tử.

Theo báo cáo The Global E-waste Monitor 2024, Liên minh Viễn thông Quốc tế của Liên Hợp Quốc và bộ phận nghiên cứu UNITAR cho biết, rác thải điện tử toàn cầu đạt 62 triệu tấn vào năm 2022 và dự kiến ​​sẽ tăng lên 82 triệu tấn vào năm 2030, phản ánh mức tăng trung bình hàng năm khoảng 2,6 triệu tấn.

Trong lớp vỏ cũ kỹ của những chiếc điện thoại, máy tính hay tai nghe đều ẩn chứa một kho báu khổng lồ. Nhưng thay vì được thu hồi và tái chế đúng cách, phần lớn trong số đó đang âm thầm biến mất, kéo theo những hệ lụy về môi trường và sức khỏe.

Lượng thiết bị điện và điện tử được tiêu thụ trên toàn thế giới đang trên đà tăng trưởng không ngừng, từ 62 tỷ kg năm 2010 lên 96 tỷ kg năm 2022 và ước tính đạt 120 tỷ kg vào năm 2030. Hệ quả tất yếu là sự gia tăng đáng báo động của rác thải điện tử.

Cũng theo báo cáo, riêng trong năm 2022, chất thải điện tử trên toàn cầu chứa tới 4 tỷ kg kim loại được phân loại là nguyên liệu thô. Đây là những kim loại có vai trò sống còn trong sản xuất công nghệ hiện đại và đang ngày càng khan hiếm trên thị trường toàn cầu.

Với tốc độ đổi mới thiết bị công nghệ chóng mặt, khối lượng rác thải điện tử ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. Tuy nhiên, phần lớn lượng kim loại quý trong số đó không được thu hồi, mà thay vào đó lại bị đốt, chôn lấp hoặc bỏ xó trong những “nghĩa địa đồ điện tử” ngay tại nhà người tiêu dùng.

Ước tính có 19 tỷ kg rác thải điện tử, chủ yếu từ các kim loại như sắt, được chuyển đổi thành nguồn tài nguyên thứ cấp, nhờ vào tỉ lệ tái chế cao trong hầu hết các hệ thống quản lý rác thải điện tử.

Các kim loại nhóm bạch kim và kim loại quý là những kim loại có giá trị cao nhất, tuy nhiên, chúng có mặt với số lượng thấp hơn nhiều. Dù vậy, ước tính có hàng nghìn kg đã được tái chế thành nguồn tài nguyên thứ cấp thông qua các phương pháp tái chế chính thức và không chính thức.

Một điểm đáng chú ý từ báo cáo là tỷ lệ thu gom chính thức của chất thải điện tử vẫn ở mức thấp – đặc biệt là với các thiết bị nhỏ như điện thoại, tai nghe, dây sạc. Trong khi đó, các thiết bị cồng kềnh có trọng lượng đơn vị lớn như tủ lạnh, máy giặt, màn hình TV lại có tỷ lệ thu gom cao hơn do dễ nhận diện và xử lý.

Thống kê các vật liệu có trong rác thải điện tử sản sinh ra trong năm 2022

Thống kê các vật liệu có trong rác thải điện tử sản sinh ra trong năm 2022

Khi thiết bị cũ trở thành "chất độc"

Đáng báo động hơn, rác thải điện tử không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mà còn âm thầm đầu độc sức khoẻ con người – đặc biệt là những lao động yếu thế ở các nước đang phát triển.

Biểu đồ Tác hại của rác thải điện tử đến môi trường (Nguồn: The Global E-waste Monitor 2024)

Bên cạnh đó, có nhiều hệ lụy sức khỏe mà người lao động phải đối mặt khi phân loại, xử lý rác điện tử không có đồ bảo hộ như phơi nhiễm chì, thủy ngân, cadmium, các chất chống cháy brom... Những chất độc này ngấm vào cơ thể qua đường da, đường hô hấp hoặc nguồn nước, gây ra loãng xương, suy thận, tổn thương thần kinh và thậm chí là ung thư.

Giữa vùng quê yên bình, tiếng gà gáy và lũy tre làng giờ đây nhường chỗ cho âm thanh leng keng của kim loại, tiếng đập phá máy móc cũ và mùi khét lẹt từ những mạch điện bị nung chảy. Đây không phải khu công nghiệp hay bãi rác đô thị – mà là một ngôi làng, nơi người dân mưu sinh từ rác thải điện tử. Từ điện thoại hỏng, tivi cũ đến bo mạch cháy… tất cả được tháo dỡ thủ công bằng tay trần, không đồ bảo hộ. Mỗi ngày, hàng tấn “xác công nghệ” đổ về – mang theo cả cơm áo và hiểm họa vô hình. Làng nghề ấy được ví như một "nghĩa địa công nghệ", nơi sự phát triển của thế giới hiện đại để lại dấu chân đầy nguy hiểm.

Làng thu gom rác thải điện tử.

Làng thu gom rác thải điện tử.

Tình trạng này phổ biến tại các quốc gia đang phát triển – nơi phần lớn lượng rác điện tử từ Mỹ, châu Âu được “xuất khẩu” sang theo hình thức trá hình. Người dân bản địa trở thành “nhà máy tái chế bằng xương bằng thịt”, chịu đựng rủi ro sức khỏe để đổi lại thu nhập bấp bênh từ vài mẩu vàng và đồng còn sót lại.

"Đánh đổi bằng cả mạng sống"

Đầu tiên là máu và thận, rồi tới não bộ và hệ thần kinh. Rác thải điện tử hoàn toàn có thể huỷ hoại cơ thể con người vì nó chứa với các kim loại như chì, kẽm, hay cadmium. Khi cơ thể bị nhiễm chất cadmium sẽ dẫn đến tình trạng loãng xương, thiếu máu, suy gan thận, thậm chí ung thư như ung thư phổi, tăng nguy cơ gây dị dạng ở thai nhi trong bụng mẹ.

Những đôi tay trần trực tiếp bóc tách những thiết bị điện tử, không hề có bảo hộ. Thuỷ ngân, chì, kẽm, những hoá chất độc cứ thế ngấm dần vào cơ thể từ lúc nào không hay.

Nhưng cũng chẳng cần phải trực tiếp chạm vào, mà chỉ cần sinh sống ở gần những bãi rác thải điện tử thôi, cũng đủ để nhận thấy hậu quả. 

Anik là một cậu bé người Bangladesh. Gần nơi Anik sinh sống có bãi chứa đồ điện tử gây ô nhiễm nguồn đất và nước. Gần đây, khi đi khám bệnh, bác sĩ nói trong cơ thể Anik xuất hiện một thứ với hàm lượng rất cao, đó chính là chì.

"Thằng bé đột nhiên hay trở nên hay cáu gắt và mất bình tĩnh. Đi học thì thường xuyên quên, không nhớ được chút gì trên lớp. Cơ thể con tôi đang bị huỷ hoại. Bác sĩ nói nó nhiễm chì rất nặng, chỉ số là 26 gì đó thì phải." - Mẹ của Anik chia sẻ.

Trường hợp của Anik chỉ là một trong hàng triệu trẻ em sống trong hoặc gần các khu xử lý e-waste phi chính thức - nơi rác công nghệ được tái chế thủ công bằng những đôi tay trần, bất chấp nguy hiểm tiềm ẩn.

Rác thải điện tử chất chồng đến mức nhiều quốc gia không còn khả năng xử lý mà phải tìm cách đẩy sang nước khác, khiến rác thải điện tử giống như một quả bóng bị chuyền đi chuyền lại không ai muốn nhận.

Theo số liệu từ Statista, vào năm 2019, chỉ có 17,4% rác thải điện tử trên toàn cầu được ghi nhận là đã qua tái chế. Tỷ lệ thấp này phần nào bắt nguồn từ việc nhiều thiết bị điện tử hiện đại không được thiết kế thân thiện với quy trình tái chế. Điển hình là điện thoại thông minh ngày càng mỏng nhẹ, pin tích hợp không thể tháo rời, gây khó khăn đáng kể cho việc xử lý và thu hồi vật liệu.

Quá trình phân loại rác thải điện tử hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào lao động thủ công, khiến công nhân phải tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại dù ở nồng độ thấp. Đồng thời, các thiết bị ngày càng phức tạp buộc các cơ sở tái chế phải liên tục đầu tư nâng cấp công nghệ để theo kịp xu hướng sản phẩm mới. Những yếu tố này khiến chi phí tái chế tăng cao, làm suy giảm động lực đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải điện tử vốn đã gặp nhiều thách thức.

Các quốc gia tranh cãi về rác thải điện tử

Các quốc gia tranh cãi về rác thải điện tử

Một vấn đề khác mà ngành công nghiệp tái chế đang phải giải quyết là hiện nay chỉ có 10 trong số 60 nguyên tố hóa học có trong rác thải điện tử có thể được tái chế thông qua quá trình xử lý cơ học: vàng, bạc, bạch kim, coban, thiếc, đồng, sắt, nhôm và chì.

Cuộc "cách mạng" hồi sinh phế liệu điện tử

Mô hình quy trình sản xuất và thu gom, tái chế thiết bị điện tử.

Mô hình quy trình sản xuất và thu gom, tái chế thiết bị điện tử.

Giải quyết bài toán rác thải điện tử không chỉ là chìa khóa giảm ô nhiễm môi trường mà còn mở ra cánh cửa cho tăng trưởng kinh tế, tăng cường sức khỏe và an toàn cộng đồng. 

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những chính sách, pháp luật và quy định về rác thải điện tử.  Tại 81 quốc gia đã có các công cụ pháp lý, một trong những chính sách quản lý rác thải điện tử được áp dụng thường xuyên nhất đó là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - EPR (Extended Producer Responsibility). Quy định này hướng tới việc đảm bảo nhà sản xuất chịu trách nhiệm về sản phẩm cho đến giai đoạn sau tiêu dùng trong vòng đời của sản phẩm. 

Tỷ lệ thu gom và tái chế ở các quốc gia áp dụng quy định EPR là 27%, so với 10% ở các quốc gia có luật pháp nhưng không áp dụng quy định EPR.

Bên cạnh đó, các ông lớn công nghệ cũng đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển các giải pháp công nghệ, từ đó cải thiện đáng kể tỷ lệ tái chế và hiệu quả quản lý rác thải điện tử.

Là một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, Apple tiên phong trong việc giải quyết vấn đề rác thải điện tử thông qua chương trình tái chế toàn diện. Không chỉ khuyến khích người dùng đổi trả các thiết bị như iPhone, iPad, MacBook… để tái chế, mà hãng còn triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như sử dụng năng lượng tái tạo trong quy trình sản xuất để giảm thiểu carbon, ưu tiên vật liệu tái chế và nguồn cung ứng bền vững. Từ đó, hướng tới mục tiêu “kép” giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Samsung Electronics tăng cường sử dụng vật liệu tái chế trong dòng sản phẩm Galaxy, đặc biệt là coban, một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin. Để đạt được điều này, hãng công nghệ Hàn Quốc bắt đầu với chương trình Chuỗi cung ứng pin tuần hoàn, hợp tác với các đối tác để thu hồi coban từ pin Galaxy cũ. Bắt đầu với dòng sản phẩm Galaxy S25, hệ thống tái chế pin khép kín này cho phép Samsung tái sử dụng coban từ các thiết bị cũ, góp phần bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế khai thác tài nguyên và giảm lượng rác thải.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang đi đầu trong cuộc chiến chống lại rác thải điện tử bằng cách thúc đẩy các giải pháp mang tính đột phá, điển hình là giải pháp sạc chung. Mục tiêu của sáng kiến này không chỉ là giảm sự bất tiện cho người tiêu dùng, mà còn là giảm thiểu lượng rác thải từ các bộ sạc không tương thích thải ra môi trường.

Việc tái chế thiết bị điện tử cũ với quy trình an toàn là nền tảng then chốt. "Tân trang - Tái sử dụng - Tái chế" không chỉ là giải pháp trước mắt, mà còn là hành động vì một tương lai nơi công nghệ song hành cùng môi trường. Sự chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc thực hiện "3T" sẽ là chìa khóa để công nghệ đưa cuộc sống của con người trở nên thăng hoa hơn, thay vì vùi lấp dưới núi rác thải điện tử độc hại.